Khu vực Tây Bắc Bộ sáng sớm trời rét, có nơi có sương mù, ngày nắng. Nhiệt độ thấp nhất từ 14-17 độ C, có nơi dưới 13 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 24-27 độ C, riêng khu Tây Bắc có nơi 28-30 độ C.
Khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời ấm hơn với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 17-20 độ C, vùng núi 14-17 độ C, có nơi dưới 13 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 25-28 độ C. Đông Bắc Bộ sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng.
Khu vực Nam Trung Bộ hôm nay ngày nắng, nhiệt độ thấp nhất từ 20-23 độ C, phía Nam có nơi trên 23 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 28-31 độ C, phía Nam có nơi trên 32 độ C.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ hôm nay tiếp tục nắng nóng. Tuy nhiên, Tây Nguyên có mức nhiệt dịu hơn với nhiệt độ thấp nhất từ 14-17 độ C, có nơi trên 17 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 27-30 độ C.
Nam Bộ nhiệt độ thấp nhất từ 22-25 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 32-35 độ C; riêng miền Đông nắng nóng gay gắt có nơi trên 35 độ C.
* Nắng nóng kéo dài và nước sông Mê Kông về ít khiến tình trạng xâm nhập mặn ở Cà Mau trở nên trầm trọng. Hiện trên 20.542 hộ dân tại Cà Mau bị thiếu nước sinh hoạt, nhiều nơi, người dân sử dụng nước phèn, nước mặn sinh hoạt, đổi nước đóng chai để uống với giá cao.
Theo Tổng cục Khí tượng thuỷ văn và Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, xâm mặn mùa khô năm nay ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Mức xâm mặn ở các cửa sông Cửu Long có ranh mặn 4g/lít xâm nhập sâu từ 40 - 55km (tính từ cửa sông), mặn xâm nhập vào sâu hơn trung bình từ 10 - 15km so với những năm trước đây.
Tại Sóc Trăng, xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng khoảng 40 - 55km (so với các năm trước bình quân tăng 10 - 15km). Đồng thời, độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời điểm (cả về nồng độ và chiều sâu xâm nhập mặn vào nội đồng). Cụ thể, vào ngày 10/2/2020 độ mặn cao nhất tại trạm Trần Đề là 24,5 ‰, tại Long Phú là 21,2 ‰, tại Đại Ngãi là 14,2 ‰, tại An Lạc Tây là 8,0 ‰; tại Thạnh Thới Thuận là 19,0 ‰, tại Thạnh Phú là 8,5 ‰.
Tại Kiên Giang, độ mặn mùa khô 2019 - 2020 xuất hiện sớm hơn mùa khô 2015 - 2016 khoảng 20 ngày, sớm hơn trung bình nhiều năm 2 tháng, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long và nội đồng trên địa bàn tỉnh xuống rất thấp.
Độ mặn ven biển tăng cao gây xâm nhập sâu vào nội đồng trong tháng 1 và đầu tháng 2/2020 và hiện đang diễn biến phức tạp, khó lường. Diện tích lúa bị thiệt hại do mặn đến nay gần 600 ha, tập trung ở 2 huyện Hòn Đất và Kiên Lương, giảm năng suất 30 - 70%.
Theo Đài Khí tượng - Thủy văn Kiên Giang, dự báo tình hình xâm nhập mặn tại tỉnh này trong thời gian tới tiếp tục ở mức độ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, tương đương mùa khô 2015 - 2016. Thời gian độ mặn xảy ra gay gắt nhất có khả năng xuất hiện trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2020.